Văn hóa – động lực nghề nghiệp trong phát triển du lịch đặc thù

Ngành du lịch Việt Nam đang chuyển từ phát triển đại trà sang chú trọng trải nghiệm cá nhân hóa. Việc khai thác và chuyển hóa giá trị văn hóa thành sản phẩm du lịch đặc thù mang bản sắc địa phương trở thành hướng đi tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu mới của du khách.

Ngày 25/7, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia 2025 với chủ đề “Khai thác giá trị văn hóa trong phát triển sản phẩm du lịch đặc thù”, nhằm kết nối học thuật với thực tiễn, góp phần định hình chiến lược phát triển du lịch văn hóa.

Hội thảo có sự tham dự của hơn 300 đại biểu, bao gồm lãnh đạo ngành, chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên từ 25 trường đại học trên cả nước, cùng đại diện của 10 doanh nghiệp du lịch, khách sạn và lữ hành.

Chỉ trong thời gian ngắn phát động, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 160 bài tham luận toàn văn với nội dung phong phú, phản ánh rõ nhu cầu cấp thiết của cộng đồng nghiên cứu trong việc tìm lời giải cho bài toán khai thác giá trị bản địa vào phát triển sản phẩm du lịch đặc thù.

TS. Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành phát biểu tại Hội thảo.

Theo TS. Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, du khách hiện nay không còn chỉ tìm nơi nghỉ dưỡng, mà họ khao khát được chạm vào “linh hồn” của điểm đến, chính là văn hóa sống động đặc sắc của 54 dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, để biến tài nguyên văn hóa thành sản phẩm du lịch có giá trị kinh tế vẫn còn nhiều vướng mắc, cần được tháo gỡ từ góc nhìn khoa học liên ngành và liên kết thực tiễn.

Hội thảo tập trung vào 3 nhóm nội dung chính gồm: hệ thống hóa lý luận và kinh nghiệm quốc tế về phát triển du lịch đặc thù; đánh giá thực trạng khai thác văn hóa tại các địa phương, điểm đến; và đề xuất chiến lược phát triển sản phẩm gắn với thương hiệu địa phương và phát triển bền vững. Các tham luận trình bày tại 3 tiểu ban chuyên môn đã cung cấp bức tranh toàn diện, từ mô hình di sản sống ở nông thôn miền núi đến ứng dụng công nghệ số như thực tế ảo, ứng dụng di động trong khai thác di sản đô thị, góp phần tạo nên những trải nghiệm mới mẻ, độc đáo.

Nhiều đề xuất được đánh giá cao tại hội thảo như phát triển mô hình trải nghiệm “sống cùng di sản”, xây dựng bộ tiêu chí sản phẩm đặc thù với các yếu tố như tính bản địa, tính bền vững, giá trị kinh tế, văn hóa và khả năng nhân rộng.

Đồng thời, hội thảo cũng ghi nhận vai trò thiết yếu của hợp tác công, tư và cộng đồng trong quản trị và phát triển du lịch văn hóa. Một số kiến nghị chính sách đáng chú ý được đưa ra gồm: quy hoạch khai thác văn hóa gắn với phát triển kinh tế, xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp và cộng đồng về vốn, tín dụng; đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu về du lịch văn hóa; và thúc đẩy nghiên cứu liên ngành, chuyển giao công nghệ trong thiết kế sản phẩm.

Thông qua 3 nhóm nội dung chính tại Hội thảo, Ban giám hiệu Trường Đại học Nguyễn Tất Thành kỳ vọng các ý kiến, kiến nghị, giải pháp sẽ góp phần nâng tầm chất lượng nghiên cứu và mang lại những đóng góp thực tiễn thiết thực cho ngành du lịch Việt Nam

Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, với vai trò chủ trì hội thảo, cam kết xây dựng không gian khoa học chuẩn mực, nơi các tham luận được phản biện nghiêm túc và hỗ trợ công bố trên các tạp chí chuyên ngành uy tín đã được công nhận như Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật và Tạp chí Khoa học của Nhà trường. Đây là nỗ lực nhằm đảm bảo giá trị học thuật bền vững, đồng thời lan tỏa kết quả nghiên cứu đến cộng đồng thực hành và hoạch định chính sách.

TS. Trần Ái Cầm kỳ vọng rằng sự kiện sẽ là đòn bẩy quan trọng, góp phần nâng tầm chất lượng nghiên cứu và mang lại những đóng góp thực tiễn thiết thực cho ngành du lịch Việt Nam, mở ra hướng đi mới gắn liền với bản sắc văn hóa và phát triển bền vững./.

Thanh Quang

(Theo nghenghiepcuocsong.vn)