• Trang chủ /
  • Tin tức
  • / Hội thảo “Giải pháp phát triển du lịch Bến Tre trên cơ sở liên kết, hợp tác các tỉnh thành khu vực ĐBSCL”

Hội thảo “Giải pháp phát triển du lịch Bến Tre trên cơ sở liên kết, hợp tác các tỉnh thành khu vực ĐBSCL”

bentre 2

Trong khuôn khổ Hội thảo, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cũng đã ký kết hợp tác với UBND tỉnh Bến Tre trong việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch

1.Hai vấn đề then chốt

ÔngNguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, hội thảo là dịp đánh giá thực trạng, tiềm năng và cơ hội, tìm ra các giải pháp phát triển du lịch Bến Tre trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, theo quan điểm, mục tiêu và định hướng phát triển của Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch. Đồng thời, tăng cường hợp tác, kết nối để khơi dậy và phát huy tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực để phát triển, gắn kết du lịch Bến Tre với du lịch các tỉnh, thành phố trong khu vực ĐBSCL và các tỉnh, thành phố khác trên cả nước.

Theo ông Đức, định hướng phát triển du lịch của tỉnh là cung cấp các sản phẩm du lịch cho tất cả đối tượng khách trong và ngoài nước; phát triển không gian du lịch theo các cụm sản phẩm du lịch sinh thái và trải nghiệm văn hóa, cụm du lịch nghỉ dưỡng ven biển, cụm du lịch tâm linh, cụm du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo… Trong đó, dự kiến sẽ hình thành các khu, điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn huyện Châu Thành, khu du lịch Sân chim Vàm Hồ, khu du lịch trên địa bàn huyện Chợ Lách và khu du lịch nghỉ dưỡng Thạnh Phú.

TS. Nguyễn Văn Lưu, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo Bộ VHTTDL chia sẻ, những năm gần đây, tỉnh Bến Tre đã tập trung triển khai đồng bộ 4 giải pháp đầu tư phát triển du lịch; khai thác khá hợp lý điều kiện của tỉnh để đa dạng hóa sản phẩm du lịch; chú trọng xây dựng điểm du lịch đặc thù; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư du lịch.Theo TS. Lưu,giai đoạn 2011 – 2018, Bến Tre đã huy động tổng mức đầu tư toàn xã hội phục vụ phát triển du lịch là 1.439 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách đạt 216,6 tỷ đồng chiếm 14,5%, vượt 4,5% so với quy hoạch. Đến nay các nhà đầu tư đang thực hiện 5 dự án, 5 dự án còn lại đang kêu gọi đầu tư.

TS. Lưu cho rằng,hạ tầng kỹ thuật như cầu, đường, cấp nước, viễn thông… ở Bến Tre hiện nay tương đối hoàn chỉnh. Đặc biệt, việc đưa vào sử dụng cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông, cầu Cổ Chiên… chính là những đột phá quan trọng nhất cho du lịch Bến Tre. Các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng cơ sở kinh doanh, góp phần tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch nhằm đáp ứng và phục vụ nhu cầu của du khách trong và ngoài nước. Qua đó, đã tạo cho du lịch Bến Tre một diện mạo mới và có thể cạnh tranh với các địa phương trong khu vực ĐBSCL.

ThS. Phan Thị Ngàn- Trường Đại học Nguyễn Tất Thành chia sẻ, nguồn nhân lực du lịch Bến Tre chiếm tỷ trọng đến hơn 20,6% tổng số lao động trực tiếp của ngành Du lịch của cả vùng.Tuy nhiên, trong số này thì lực lượng lao động mùa vụ và lao động phổ thông chưa qua đào tạo chiếm số lượng lớn. Những lao động đã qua đào tạo phần lớn chỉ được đào tạo cấp tốc (từ 1 tháng đến 1 năm) nên mức bậc nghề chung còn thấp. Số lao động có trình độ đại học và trên đại học chỉ chiếm khoảng 12%.

2.Để du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, muốn phát triển du lịch Bến Tre thì phải tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật du lịch(CSVCKTDL), đào tạo nguồn nhân lực, đa dạng các sản phẩm du lịch, liên kết với các tỉnh, thành trong khu vực, kể cả với Tp.HCM… Tuy nhiên, trọng tâm xoay quanh 2 nội dung đào tạo nguồn nhân lực và đầu tư phát triển CSVCKTDL được các đại biểu tham dự hội thảo nhấn mạnh.

bentre 3

Nguồn nhân lực được xem là một trong những vấn đề then chốt để phát triển du lịch

TS. Nguyễn Văn Lưu cho rằng, trong thời gian tới, Bến Tre cần ưu tiên xây dựng một số khu du lịch trọng điểm của tỉnh và phát triển hệ thống CSVCKTDL có chất l­ượng cao, đồng bộ, hiện đại, đậm bản sắc Bến Tre thích ứng với biến đổi khí hậu và CMCN 4.0 để có đủ điều kiện để phục vụ nhu cầu ngày càng cao, cá nhân hóa của đông đảo khách du lịch.

Theo ThS. Ngàn,nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng quyết định chất lượng sản phẩm du lịch. Chính vì vậy công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực cần được coi là khâu đột phá trong phát triển du lịch ĐBSCL nói chung và Bến Tre nói riêng.Trong đó, phải tăng cường quản lý nhà nước trong chú trọng xây dựng mối liên kết bền vững giữa cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để phát triển nguồn nhân lực du lịch.Đồng thời, củng cố và tăng cường năng lực, hoàn thiện mạng lưới cơ sở đào tạo du lịch đảm bảo liên kết chặt chẽ và cân đối giữa các trình độ đào tạo, ngành nghề đào tạo và phân bố vùng, miền hợp lý, phù hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch khu vực và quốc gia.

Ngoài ra, theo đại diện Công ty Lữ hành Saigontourist, để xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch Bến Tre kết nối với các tỉnh ĐBSCL đi vào thực tiễn và đạt hiệu quả cao, tỉnh Bến Tre cần xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống các bến bãi nhằm phục vụ các du thuyền trên sông chuyên nghiệp, tiện nghi và an toàn; xây dựng hệ thống các dịch vụ đạt chuẩn phục vụ khách du lịch quốc tế; ghe thuyền vận chuyển khách du lịch phục vụ du khách chuyên nghiệp hơn; nâng cao nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch, điều hành, lái tàu, phục vụ trong các nhà hàng, khách sạn…

Theo baodulich.net.vn