Tham gia chương trình có TS. Phan Thị Ngàn – Phó trưởng Khoa Du lịch và Việt Nam học, trường Đại học Nguyễn Tất Thành, cùng các doanh nghiệp tại TP HCM. Đoàn làm việc hai ngày tại 3 huyện Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú và Châu Thành, Bến Tre
TS. Phan Thị Ngàn – Phó trưởng Khoa Du lịch và Việt Nam học, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết, chương trình nằm trong khuôn khổ Đề án “Xây dựng mô hình nông dân Bến Tre làm du lịch” do Trường Đại học Nguyễn Tất Thành phối hợp tỉnh Bến Tre triển khai thực hiện.
“Tôi rất tâm đắc với Đề án lần này. Nhìn thấy tiềm năng của các sản phẩm nông nghiệp tỉnh nhà phải loay hoay trên thị trường dù giá thành khá cạnh tranh, chất lượng hàng hóa đủ chuẩn xuất khẩu sang một vài quốc gia lân cận nhưng vẫn chưa tiếp cận được thị trường do chưa đồng bộ trong việc ổn định nguồn hàng” – TS. Phan Thị Ngàn chia sẻ.
TS. Phan Thị Ngàn (trái) – Phó trưởng Khoa Du lịch và Việt Nam học mong muốn đẩy mạnh công tác quảng bá các sản phẩm OCOP tỉnh Bến Tre. |
Thông qua chương trình lần này, trường Đại học Nguyễn Tất Thành cùng Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh Bến Tre mong muốn đẩy mạnh việc quảng bá, giao thương kết hợp du lịch kiểu trải nghiệm, du lịch vườn để đông đảo du khách có thể tiếp cận, được trực tiếp tham quan những cơ sở sản xuất ra các dòng sản phẩm đang được yêu thích trên thị trường.
Chương trình kết hợp du lịch, quảng bá, kết nối giao thương nhằm đưa các sản phẩm nông nghiệp chất lượng đến được tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất, rẻ nhất, hiệu quả nhất.
Bởi trên thực tế, tốc độ sản xuất hiện tại của các cơ sở còn khá nhỏ lẻ, trồi sụt theo thị trường do lượng đơn hàng còn thấp, chỉ cung cấp trong thị trường nội địa, liên tỉnh lân cận khiến bà con nông dân vẫn đau đáu nghĩ đến việc tìm “đầu ra” cho sản phẩm để tính toán việc đầu tư công nghệ, khoa học kỹ thuật trong sản xuất.
Hiện tại, Bến Tre có khá nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP, tính riêng mỗi huyện cũng phải hơn 10-20 mặt hàng khác nhau, tiêu biểu nhất là bưởi da xanh, xoài tứ quý, cá đù một nắng, kẹo dừa, rau củ quả sấy, cua biển… Trong đó, riêng huyện Thạnh Phú có 14 sản phẩm được tỉnh công nhận sản phẩm OCOP; trong đó có 3 sản phẩm đạt 4 sao và 11 sản phẩm đạt 3 sao.
Đoàn tham quan một số cơ sở sản xuất. |
Ông Mai Văn Hùng – Phó Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú – cho biết, việc phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch được huyện đánh giá là tiềm năng để người dân nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập.
Đạt chứng nhận OCOP là cơ hội để sản phẩm phát triển thương hiệu, mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị gắn với phát triển du lịch, xây dựng nông thôn mới.
Hiện nay, huyện có điểm du lịch Cồn Bửng đạt khu du lịch cấp tỉnh, đây cũng chính là cơ hội lớn để sản phẩm OCOP phát triển thương hiệu, trở thành quà tặng cho khách du lịch thời gian tới. Lãnh đạo huyện bày tỏ mong muốn thông qua chương trình có thể kết nối, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Mô hình nông dân làm du lịch đang phát triển tại Bến Tre. |
Đây cũng là mong muốn của tất cả các hộ OCOP, khi thông qua chương trình, sự quan tâm của các siêu thị, chợ đầu mối, nhà phân phối trực tiếp hàng nông sản các tỉnh miền Tây nói chung, Bến Tre nói riêng sẽ tăng lên. Từ đó đẩy mạnh việc giao thương thuận lợi, giúp sản phẩm chất lượng đến tận tay người tiêu dùng với mức giá “dễ chịu’’ nhất.
Theo baophapluat.vn