Nghệ thuật hát bội (còn gọi là Tuồng hay hát bộ) đã tạo nên một nền thẩm mỹ độc đáo, phản ánh sâu sắc khát vọng nhân văn và giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam. Để góp phần bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật này, Tổ chức Hiếu Văn Ngư (Hiếu Văn Ngư – Cultura Fish là nhóm nghiên cứu, ứng dụng và sáng tạo văn hoá – nghệ thuật với cách tiếp cận đa diện các lĩnh vực, được thành lập từ năm 2020 và từng hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước như ICHCAP-UNESCO, British Council Vietnam, Asian Youth Theatre Festival) cùng với Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TP. Hồ Chí Minh đã hợp tác tổ chức chuỗi talkshow và workshop mang tên “Thưởng thức hát bội”, diễn ra từ ngày 14/6 đến 10/8/2024. Giá vé tham dự gồm hai mức: vé Thiều Hoa (200.000 VNĐ) và vé Thiều Nghiêu (350.000 VNĐ). Cafe sáng với VTV3 cũng đã đưa tin về talkshow này.
Đây là lần đầu tiên Hiếu Văn Ngư và Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TP.HCM đồng tổ chức talkshow CA BIỆN PHẤN HÀNH và workshop HÁT BỘI 101, diễn ra trực tiếp tại không gian sân khấu của Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TP.HCM. “Ca” phiếm chỉ việc diễn xướng, “biện” là tiếng vỗ tay, “phấn hành” nghĩa là những động thái phấn khởi. Với hàm ý chỉ sự tương quan giữa biểu diễn và thưởng thức cốt làm cho nghề ca diễn [hát bội] thêm hưng thịnh. CA BIỆN PHẤN HÀNH sẽ là cầu nối cho khán giả tìm hiểu về hát bội một cách bài bản.” Với nội dung vừa sâu sắc, hiện đại, lại kết hợp với các màn biểu diễn chỉn chu từ các nghệ sĩ tài năng của Nhà hát, chương trình hứa hẹn mang đến cho khán giả những trải nghiệm vừa cao nhã vừa giàu kiến thức. Trong talkshow kỳ đầu tiên diễn ra vào tối ngày 14/6/2024, ngành Việt Nam học thuộc Khoa Du lịch NTTU đã vinh dự nhận được 02 vé mời tham dự sự kiện.
Đến tham dự sự kiện, ngoài những phần quà thật dễ thương nhận được từ Ban Tổ chức chương trình, sinh viên Nguyễn Thị Thái An và Trần Thị Yến Nhi lớp 22DVN1A đã có dịp nghe nhà nghiên cứu – diễn giả Vương Hoài Lâm dẫn dắt qua những miền ký ức và miền văn hóa của hát bội từ thuở sinh thành, “giải mã” những “truyền thuyết” về sự ra đời của hát bội cùng tên gọi hát bội/ hát bộ/ tuồng, khi trở thành loại hình nghệ thuật độc tôn của sân khấu miền Nam và những gì còn lại ngày nay. Đồng thời, nhà nghiên cứu cũng lý giải về ý nghĩa của lễ Đại Bội (xuất hiện trong lễ Kỳ yên và gắn liền với hát bội) như là một cách phản ánh về vũ trụ quan của tiền nhân khi đến vùng đất mới Nam Bộ.
Song hành với những chuyện kể và bình luận sâu sắc từ diễn giả Vương Hoài Lâm, những màn tương tác sống động của một số khán giả với nghệ sĩ từ Nhà hát là những tiết mục biểu diễn mãn nhãn đến từ Nhà hát Nghệ thuật hát bội TPHCM. Tiết mục “Điềm Hương” trích từ lễ Đại Bội với vũ đạo đẹp mắt đã mở màn “Ca biện phấn hành” như một lời chúc phúc đến quý khán giả; tiết mục “Gia quan tấn tước” cho thấy yếu tố ước lệ, tượng trưng và khoa sức của hát bội thông qua nhân vật “Linh quan”. Đặc biệt, trích đoạn “Hồ Nguyệt Cô hoá cáo” đã chinh phục khán giả có mặt ở rạp vì thương cảm cho một Hồ Nguyệt Cô si tình, những mảng miếng vũ đạo đẹp mắt của mô hình nhân vật đào văn, những trường đoạn thể hiện sự giằng xé trong tâm lý kết hợp với các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng trực tiếp tại sân khấu.
Sau sự kiện, Nguyễn Thị Thái An và Trần Thị Yến Nhi đã chia sẻ rằng các em không chỉ được mở mang tầm mắt về nghệ thuật hát bội mà còn học hỏi rất nhiều về văn hóa và lịch sử thông qua những câu chuyện và kiến thức sâu sắc được truyền đạt. Điều này không chỉ làm phong phú thêm kiến thức về ngành Việt Nam học mà còn khơi dậy trong các em niềm đam mê học tập nghiên cứu và bảo tồn văn hóa truyền thống.
Khoa Du lịch
(Tổng hợp tin – ảnh từ Hiếu Văn Ngư và Sinh viên)