Ngành Quan hệ quốc tế

Quan hệ quốc tế (International Relations) là một ngành của chính trị học, nghiên cứu về các vấn đề ngoại giao và các vấn đề toàn cầu giữa các quốc gia thông qua hệ thống quốc tế, bao gồm các quốc gia, tổ chức đa chính phủ, tổ chức phi chính phủ, và các công ty đa quốc gia. Bên cạnh chính trị học, ngành quan hệ quốc tế còn quan tâm đến những lĩnh vực khác nhau như kinh tế, lịch sử, luật, triết học, địa lý, xã hội học, tôn giáo học, tâm lý học, và văn hóa học. Quan hệ quốc tế là ngành học liên quan đến những vấn đề đa dạng trong thế kỷ XXI như toàn cầu hóa và những tác động đến con người, xã hội và chủ quyền của các quốc gia, bảo vệ sinh thái, tăng trưởng hạt nhân, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân tuý, vấn đề phát triển kinh tế, khủng bố, tội phạm có tổ chức, an ninh nhân loại, và nhân quyền, an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống.

1. Triển vọng ngành nghề

Việt Nam đã và đang trên đường hội nhập sâu rộng vào đời sống quốc tế, đặc biệt tiến trình tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây là cơ hội to lớn cho tất cả những sinh viên đang và sẽ theo học ngành Quan hệ quốc tế. Hiện nay, nước ta có quan hệ ngoại giao với hơn 185 nước; thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với 224 thị trường tại tất cả châu lục; là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế, có trên 98 cơ quan đại diện tại các quốc gia và vùng lãnh thổ khắp 5 châu lục trên thế giới. Thế và lực của đất nước ngày càng vững mạnh; vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao, Việt Nam đã có quan hệ với những nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Pháp, Anh, Ấn Độ… Đặc biệt, tình hình đầu tư của các quốc gia và vùng lãnh thổ vào Việt Nam ngày càng nhiều với các con số gia tăng mạnh mẽ qua các năm. Vì vậy, đất nước đang rất cần những người có khả năng đảm nhận các vị trí công việc đối ngoại, giao thương, quan hệ quốc tế… Theo Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho biết: “Hiện chúng ta có gần 100 cơ quan đại diện ngoại giao tại nước ngoài. Có thể nói các cơ quan đại diện ngoại giao đang hoạt động rất tích cực triển khai các chương trình, các kế hoạch tăng cường ngoại giao kinh tế”. Điều này càng cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của ngành học Quan hệ quốc tế trong bối cảnh nước ta và trên thế giới hiện nay.

Nước ta phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hiện nay chúng ta là thành viên chính thức của tổ chức thương mại Thế giới WTO, chúng ta đã ký kết nhiều hiệp định quan trọng với các nước, gần nhất là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)… Vì thế, có rất nhiều tập đoàn kinh tế, nhiều công ty xuyên quốc gia đến Việt Nam đầu tư trên nhiều lĩnh vực. Nhu cầu nhân lực ngành quan hệ quốc tế sẽ rất lớn, sự di chuyển lao động, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và ngược lại đang ngày càng cao và cạnh tranh gay gắt hơn bao giờ hết. Sự phát triển theo cơ chế thị trường vẫn từng ngày diễn ra sôi động ở Việt Nam.

2. Chương trình đào tạo

Ngành học Quan hệ quốc tế sẽ cung cấp cho người sinh viên những kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu về lịch sử – chính trị khu vực và thế giới hiện đại; kiến thức về khoa học chính trị; kiến thức cơ bản về văn hoá của các quốc gia trong khu vực, những lý thuyết, trường phái cơ bản trong quan hệ quốc tế; kiến thức cơ bản về luật quốc tế, tài chính quốc tế, an ninh quốc tế; nắm vững chính sách đối ngoại của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới; cung cấp những hiểu biết về chính sách đối ngoại các nước lớn trên thế giới; kiến thức nền tảng về văn hóa, tôn giáo thế giới; kiến thức cơ bản về tổ chức và hoạt động của các tổ chức quốc tế; kiến thức cơ bản về kinh tế, luật và triết học.
Không chỉ có những môn học được nhà trường đào tạo kiến thức chuyên ngành mà kiến thức về năng lực chuyên môn, kỹ năng mềm là rất cần thiết cho sinh viên ngành Quan hệ quốc tế. Ngoài ra, sinh viên còn được trau dồi, rèn luyện các kỹ năng ngoại ngữ, giao tiếp tiếng Anh thành thạo, tự tin, đây cũng chính là một điểm cộng quan trọng và là điều kiện góp phần giúp người sinh viên tìm được việc làm đúng chuyên ngành sau khi học tập tại trường. Bên cạnh đó, ngành quan hệ quốc tế còn mang đến cho các bạn sinh viên những kỹ năng hỗ trợ bản thân trong giao tiếp và công việc sau này như kỹ năng xử lý thông tin, kỹ năng đối ngoại, giao tiếp, kỹ năng thu thập đánh giá một cách chính xác các vấn đề quốc tế, truyền thông, kỹ năng tổ chức sự kiện…

  • Tên chương trình đào tạo: QUAN HỆ QUỐC TẾ
  • Tên gọi của văn bằng: Cử nhân Quan hệ quốc tế (The Degree of Bachelor in International Relations)
  • Mã ngành: 7310206

3. Cơ hội nghề nghiệp

Ngành Quan hệ quốc tế tại trường Đại học Nguyễn Tất Thành hứa hẹn sẽ mang lại một tương lai nghề nghiệp tiềm năng, vững chắc và rộng mở cho các bạn sinh viên sau khi tốt nghiệp và đi làm. Sinh viên tốt nghiệp ngành Quan hệ quốc tế tại trường có thể áp dụng kiến thức học tập trong các lĩnh vực và cơ hội nghề nghiệp sau:

  • Chuyên viên đối ngoại tại các cơ quan, tổ chức nhà nước, cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương, các ban ngành trong bộ máy nhà nước.
  • Nhân viên đối ngoại, nhân viên điều phối dự án, đại diện thương mại, đàm phán viên thương mại…tại các cơ quan, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp nước ngoài, công ty liên doanh, công ty đa quốc gia, các văn phòng đại diện của các quốc gia tại Việt Nam.
  • Phiên dịch viên, biên dịch viên, hướng dẫn viên du lịch trong nước và quốc tế.
  • Biên tập viên chương trình, bản tin, phóng sự, dẫn chương trình, nhân viên truyền thông tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
  • Nghiên cứu viên, giảng viên về quan hệ quốc tế tạo các cơ sở giáo dục, trường đại học, học viện trên cả nước.
  • Sinh viên tốt nghiệp ngành Quan hệ quốc tế cũng có thể tiếp tục học trong và ngoài nước để nhận học vị cao hơn: Thạc sĩ, Tiến sĩ

Với những sinh viên có kiến thức, kinh nghiệm và thái độ làm việc nghiêm túc sẽ cơ hội tạo dựng tên tuổi, khẳng định vị trí trong ngành Quan hệ công chúng sẽ luôn rộng mở.