Seminar về xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù: cầu nối giữa khoa học và thực tiễn

NTTU – Ngày 12/10/2024, tại Hội trường A803, cơ sở quận 4, Khoa Du lịch – Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã tổ chức thành công seminar khoa học với chủ đề: “Xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù”

Đây được xem là một trong những sự kiện học thuật quan trọng, khẳng định vai trò tiên phong của Khoa Du lịch trong việc chuyển giao và ứng dụng nghiên cứu khoa học vào thực tiễn, đã thu hút sự tham gia của đông đảo các giảng viên, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp du lịch và sinh viên từ nhiều trường đại học khác nhau.

Nâng tầm nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn

Khoa Du lịch – Trường ĐH Nguyễn Tất Thành từ lâu đã khẳng định vị thế là đơn vị tiên phong trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào phát triển du lịch bền vững. Một ví dụ điển hình là đề tài nghiên cứu “Mô hình nông dân làm du lịch” tại tỉnh Bến Tre. Thông qua nghiên cứu này, người dân địa phương có thể khai thác tiềm năng du lịch từ chính khu vườn của họ, góp phần nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế địa phương. Thành công của dự án không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn là minh chứng cho sự liên kết chặt chẽ giữa khoa học và thực tiễn tại Khoa Du lịch.

Sản phẩm du lịch đặc thù – chìa khóa để phát triển du lịch bền vững

Diễn giả chính của buổi seminar, PGS.TS. Phạm Trung Lương – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch), giảng viên Khoa Du lịch – đã mang đến những kiến thức sâu sắc về vai trò của sản phẩm du lịch đặc thù. Ông nhấn mạnh rằng sản phẩm du lịch đặc thù không chỉ giúp định vị thương hiệu cho từng địa phương mà còn tạo nên sức hấp dẫn riêng biệt, thu hút du khách và phát triển du lịch một cách bền vững.

TS. Phan Thị Ngàn – Trưởng khoa Du lịch, thay mặt Ban tổ chức tặng hoa cảm ơn diễn giả: PGS.TS. Phạm Trung Lương

Tại seminar, PGS.TS. Phạm Trung Lương cũng đã chia sẻ về hiện trạng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù ở Việt Nam, nêu rõ những thách thức và cơ hội trong việc khai thác và phát triển các sản phẩm này. Đồng thời, ông cũng chỉ ra những yếu tố cần quan tâm trong quá trình nghiên cứu, phát triển và quản lý sản phẩm du lịch đặc thù, bao gồm sự kết hợp giữa văn hóa, lịch sử và thiên nhiên, đảm bảo tính bền vững về môi trường và lợi ích cho cộng đồng địa phương.

PGS.TS. Phạm Trung Lương – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch

Thành công của seminar – nguồn cảm hứng cho nghiên cứu và phát triển du lịch

Buổi seminar đã nhận được sự quan tâm lớn từ các đơn vị doanh nghiệp hàng đầu trong ngành du lịch như Saigontourist, Benthanhtourist cùng với sự tham gia của nhiều giảng viên và nhà nghiên cứu từ các trường đại học như Đại học Văn Hiến, Đại học Hutech, Đại học Nguyễn Tất Thành và các viện nghiên cứu. Nhiều câu hỏi thảo luận sôi nổi đã được đặt ra, phản ánh sự quan tâm sâu sắc đến chủ đề seminar, đồng thời mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới cho các nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu sinh và học viên đang theo học.

Các đại biểu tham gia thảo luận, trao đổi rất sôi nổi tại chương trình

Kết thúc buổi seminar, các đại biểu và thành viên tham dự đều bày tỏ sự hài lòng về nội dung và cách thức tổ chức của sự kiện. Seminar không chỉ là cơ hội để trao đổi kiến thức mà còn là cầu nối giữa các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và học viên trong lĩnh vực du lịch. Những kiến thức được chia sẻ và thảo luận tại buổi seminar sẽ là nguồn tư liệu quý giá giúp định hướng phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành du lịch Việt Nam.

Các đại biểu đều bày tỏ sự hài lòng về chủ đề chương trinh và sự chuyên nghiệp của Ban tổ chức

Khoa Du lịch – Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong trong nghiên cứu và chuyển giao khoa học, không ngừng kết nối giữa lý thuyết và thực tiễn, đưa các công trình nghiên cứu khoa học áp dụng vào phát triển kinh tế và xã hội. Sự kiện seminar lần này một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, góp phần nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch quốc tế.

Khoa Du lịch