Bếp Yêu Thương “chuẩn 5 sao” của thầy cô lan toả khắp Sài Gòn
Nhiều câu chuyện cảm động của thầy cô đến với Bếp Yêu thương “chuẩn 5 sao” để gửi những suất ăn trọn nghĩa tình.
Tạm chia xa gia đình
Vào học kỳ III, năm học 2020-2021, thầy trò Khoa Du lịch và Việt Nam học (Trường Đại học Nguyễn Tất Thành) vẫn tiếp tục các lớp học trực tuyến, cũng là thời điểm Tp. Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách, cô Đỗ Thị Hường – một giảng viên của Khoa – về quê ở Long An vừa dạy học online vừa được gần gủi gia đình.
Thế rồi, một điều bất ngờ đến với cô và cũng là đối với cả Khoa. 8h sáng hôm ấy, một tin nhắn từ “sếp” hiện lên trong nhóm chat: “Thầy cô Khoa mình, ai có thể hoặc biết ai có thể tham gia Bếp được không?” Đó là lời “hiệu triệu” đầu tiên của chương trình Bếp yêu thương.
Với lòng nhiệt huyết tuổi trẻ và tấm lòng yêu thương học trò của người giảng viên, cô Hường nhận lời tham gia ngay. Trong tích tắc, cô nghĩ cách để báo với gia đình sao cho nhẹ nhàng nhất để có thể khăn gói từ Long An trở lại vùng dịch (lúc ấy, Tp. Hồ Chí Minh đang là tâm dịch hiểm nguy và cam go nhất).
Cô xách vali ra tới cổng, ba mẹ còn hỏi lại: “Qua tuần là về hả con?”. Thương cha mẹ, nhưng cô cũng chỉ vội “Dạ!”, rồi lên xe và thật sự cô cũng chưa biết khi nào sẽ về lại nhà.
Với chút hành lý mang vội, cô tức tốc đến với Bếp Yêu Thương để kịp trước ngày Thành phố thực hiện Chỉ thị 16 (+), bắt đầu từ ngày 23/8. Đó là lúc cô Hường bắt đầu làm quen với mọi thứ trong Bếp từ những chiếc soong, chiếc chảo còn to hơn cả người mình đến những chiếc muỗng, chiếc vá… Ban đầu còn chút bỡ ngỡ, lọng cọng nhưng dần dà, cô giáo trẻ cũng thuần thục thao tác như một đầu bếp chuyên nghiệp.
Đến câu chuyện của anh Chính. Anh là chồng của cô Sâm – giảng viên của Khoa. Công việc thường ngày của anh là đầu bếp tại một nhà hàng ở Thành phố, nhưng vì tình hình dịch bệnh phức tạp nên anh tạm nghỉ ở nhà cùng vợ con. Biết về thông tin của Bếp Yêu Thương, cô Sâm đã động viên chồng tham gia. Với kinh nghiệm lâu năm trong nghề nấu ăn, anh Chính đã là một trong những cánh tay đắc lực của Bếp Yêu Thương….
Câu chuyện Bếp Yêu Thương còn có thầy Đạt – người thầy giáo với dáng vẻ thư sinh nhưng lại thoăn thoát đôi tay mỗi khi chuẩn bị những suất cơm thân ái để kịp giờ gửi đến các cán bộ y tế, nhân viên tuyến đầu chống dịch. Khi tham gia chương trình này, thầy chỉ nói giản dị: “Ở nhà hay ở trường em cũng làm việc được, nhưng nếu xung phong lên trường làm việc thì em còn có thêm thời gian để tranh thủ vào Bếp phụ cùng các thầy cô!”.
Thành “anh nuôi, chị nuôi”
Hay thầy Trung vừa lập gia đình ít lâu đã phải tạm xa người vợ trẻ để tình nguyện tham gia chương trình, trở thành một trong những “cánh tay đắc lực” của Bếp Yêu Thương. Tuy công việc hằng ngày là dạy học nhưng khi vào bếp, thầy tháo vát, rắn rỏi bưng bê từ những nồi cơm, nồi canh đến bao gạo, bao nguyên liệu còn to và nặng hơn cả số ki lô của mình.
“Chúng ta cùng nhau cố gắng vượt qua khó khăn thử thách này nhé! Hứa hẹn về một Sài Gòn sớm bình yên và khoẻ mạnh” – đó là lời thầy Lợi động viên thầy cô tại Bếp. Thầy Lợi dễ thương lắm, khi đến với Bếp, thầy “kéo” cả người nhà tham gia. Không chỉ trực tiếp đứng bếp, thầy kêu gọi thêm các mạnh thường quân hỗ trợ Bếp để có thêm những phần cơm ngon miệng.
Cả ngày thầy lo việc ở bếp, buổi tối thầy tiếp tục giải quyết các công việc đến tận khuya. Thấy sắc mặt của thầy có phần mệt mỏi, mọi người trong bếp khuyên thầy nên nghỉ ngơi thêm, nhưng chỉ hóm hỉnh nói: “Tôi nghỉ thì ai chọc mọi người cười?”.
Thương nhất là cô Chang, vì con nhỏ nên lúc đầu, cô được Bếp phân công lo công việc vòng ngoài. Nhưng thấy các thầy cô trong bếp vất vả, cô quyết định giao con nhỏ cho người thân chăm sóc, đến “đóng quân” 24/24 tại Bếp. Nhìn dáng dấp bé nhỏ tất bật với bó rau, bao gạo, rồi lại tỉ mỉ với miếng cơm, miếng cá… khiến ai cũng nể phục.
Còn đó là em Trường, em Thêm là người thân của các thầy cô đã đến tham gia cùng Bếp Yêu Thương… Và còn nhiều, nhiều thầy cô khác của Khoa Du lịch và Việt Nam học (Trường Đại học Nguyễn Tất Thành) đã tạm nói lời chia xa với vợ chồng, con cái, người thân để đến với Bếp Yêu Thương trở thành những “anh nuôi, chị nuôi” cho tuyến đầu vững tâm, vững dạ chiến đấu với đại dịch.
Họ vốn là những người cầm phấn trên bục giảng, cầm bút bên những trang giáo án, ngày ngày truyền ngọn lửa nghề nghiệp cho sinh viên. Có mấy ai quen với công việc bếp núc hay nấu hàng trăm suất ăn mỗi ngày như thế bao giờ.
Điều đặc biệt là “lửa bếp” vẫn sáng lên mỗi bữa ăn song song với “lửa yêu nghề” vẫn tiếp tục truyền đi qua những bài giảng trực tuyến. Bởi lẽ vào thời điểm này, nhà trường vẫn tiếp tục dạy học trực tuyến để đảm bảo tiến độ học tập cho sinh viên. Hết giờ dạy, thầy cô lại chạy vào bếp tất tả với mớ rau, con cá… Thật sự là một thử thách, nhưng bằng lòng yêu thương và tinh thần sẻ chia nên tất cả đã vượt qua mọi trở ngại để gửi gắm tình thân ái vào từng suất ăn.
Không chỉ vậy, các thầy cô đã vận động gia đình, người thân cùng tham gia vào công việc tình nguyện như cô Chang, thầy Lợi, anh Chính… để duy trì quân số trong Bếp luôn đảm bảo 5 – 10 người.
Gửi trọn yêu thương từ “Bếp 5 sao”
Những mớ rau, con cá vốn bình thường, qua bàn tay của các “thầy cô đầu bếp” trở thành suất cơm thơm ngon, bổ dưỡng gửi đến tuyến đầu. Để những phần cơm ấy, thầy cô đã chuẩn bị nguyên liệu từ sáng sớm, rồi “luôn tay, luôn chân” cho kịp giờ cơm, đến tối lại tiếp tục lên kế hoạch cho hôm sau. Cứ thế, công việc được vận hành khoa học nhưng vì khối lượng công việc khá nhiều cũng như việc giảng dạy trực tuyến vẫn phải tiếp tục nên ai cũng tất bật cả ngày.
Tuy chỉ khoảng 10 thành viên trở xuống (vì lý do an toàn mùa dịch) nhưng mỗi ngày, Bếp đều hoàn thành đúng tiến độ để mang 200 – 350 suất ăn đến với những người đang cần.
Ngơi tay một chút sau khi bữa cơm trưa vừa xong, có khi các thầy cô cũng chẳng nghỉ ngơi gì mà tiếp tục ngay công việc cho những suất ăn, nhất là những lúc cao điểm.
Đến tối, mọi người lại cùng nhau dọn dẹp, vệ sinh lại khu bếp và sắp xếp nguyên liệu, kế hoạch cho ngày mai. Và thế là lại hết một ngày lao động cật lực.
Với cường độ làm việc như thế, các thầy cô cũng khó tránh mệt mỏi, đuối sức, nhất là lúc đầu còn bối rối, không ít thầy cô bị đứt tay, bị phỏng hay va chạm… Thế nhưng, khi nghĩ đến tuyến đầu đang gồng mình chống dịch cũng như những người đang cần được giúp đỡ, các thầy cô vẫn nỗ lực vượt lên mọi khó khăn với hi vọng lửa bếp vẫn được thắp sáng để lan tỏa tình yêu thương cho đến khi cuộc sống trở lại bình thường.
Trước khi làm việc tại Bếp, thầy cô phải tự cách ly ít nhất 14 ngày và đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc–xin. Họ phải xét nghiệm Covid-19 ba ngày một lần để kiểm tra và phân loại sức khỏe, nhằm đảm bảo an toàn cho chính mình và các thành viên còn lại trong Bếp Yêu Thương.
Được sự chấp thuận của ban lãnh đạo Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, chương trình Bếp Yêu Thương đã sử dụng cơ sở vật chất của trường chính là khu thực hành bếp theo tiêu chuẩn 5 sao dành cho các sinh viên chuyên ngành Nhà hàng – Khách sạn. Chính vì thế, thầy cô thường gọi vui là “Bếp Yêu Thương 5 Sao”.
Bếp tiếp xúc tuyến đầu do cô Phan Thị Ngàn – Ban chủ nhiệm Khoa Du lịch và Việt Nam và thầy Trần Thế Vĩnh – giảng viên doanh nghiệp của Khoa khởi xướng từ tháng 8 năm nay, huy động nguồn lực xã hội cũng như liên hệ các bệnh viện dã chiến, phường… để cung cấp những suất cơm. Cô Ngàn chịu trách nhiệm điều hành Bếp, còn thầy Vĩnh đi giao cơm cho người nghèo, người vô gia cư.
Bếp Yêu Thương chính thức “đỏ lửa” từ ngày 23/8 và đã hoạt động đều đặn với 200-350 suất ăn mỗi ngày để gửi đến các tình nguyện viên, lực lượng tuyến đầu và cả người có hoàn cảnh khó khăn, bệnh nhân nhiễm COVID-19. Đó là một nỗ lực rất lớn của những thầy cô của Khoa mong muốn lan toả tình yêu thương đến khắp Sài Gòn trong giai đoạn cam go này.
“Một trái tim không biết ơn sẽ không tìm được hạnh phúc”. Tôi biết ơn lãnh đạo nhà trường, các mạnh thường quân, đội ngũ thầy cô trong Khoa cũng như các giảng viên doanh nhân… đã cùng nhau chung tay ủng hộ để Bếp Yêu Thương luôn “đỏ lửa” và lan tỏa hơi ấm đến lực lượng nhân viên gác chốt, bệnh nhân Covid-19, người nghèo và những người đang công tác nơi tuyến đầu… trong suốt thời gian qua.
Song song với Bếp Yêu Thương, các thầy cô Khoa Du lịch và Việt Nam học trong thời gian qua đã trao gần 1.000 phần quà gồm: lương thực, thực phẩm dự trữ, đồ dùng sinh hoạt cần thiết gửi đến các em sinh viên và cả những người có hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch”, cô Ngàn cho hay. |