Khối ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn hiện đang được rất nhiều thí sinh quan tâm vì nhu cầu cao và cơ hội việc làm rất lớn. Tuy nhiên, để thành công được với khối ngành này, người học cần phải trang bị nhiều kỹ năng như kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, quản lý thời gian, khả năng lãnh đạo, sáng tạo, đổi mới v.v…Đây là những kỹ năng mềm đóng vai trò quan trọng khi sinh viên ra trường, chính thức làm việc tại các doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, khách sạn. Đối với sinh viên ngành du lịch, kỹ năng mềm lại đóng vai trò càng quan trọng hơn, bởi du lịch có tính dịch vụ lớn, đòi hỏi sự giao tiếp, khéo léo, sáng tạo nhiều hơn. Hơn nữa khi đi du lịch, khách sử dụng các sản phẩm có tính tổng hợp nên cần phải có sự phối kết hợp với nhau khi làm việc để có sản phẩm du lịch làm cho khách hài lòng nhất. Ngân hàng thế giới gọi thế kỷ 21 là kỷ nguyên của kinh tế dựa vào kỹ năng – Skills Based Economy. Năng lực của con người được đánh giá trên 3 khía cạnh: kiến thức, kỹ năng và thái độ.
Theo tổng hợp nghiên cứu của các nước và thực tế Việt Nam, top 10 kỹ năng quan trọng cho người làm du lịch trong thời đại hiện nay là kỹ năng học và tự học, kỹ năng lãnh đạo bản thân và hình ảnh cá nhân, kỹ năng tư duy sáng tạo và mạo hiểm, kỹ năng lập kế hoạch và tổ chức công việc, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng thương thuyết, đàm phán.
Kỹ năng học và tự học (Learning to learn): Có phương pháp học tập tốt và sáng tạo cho chính bản thân mình sẽ là chìa khóa đưa sinh viên đến với thành công trên con đường học tập một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất. Khả năng học và tự học sau khi ra trường cũng được doanh nghiệp đánh giá cao, góp phần làm việc tốt hơn.
Kỹ năng lãnh đạo bản thân và hình ảnh cá nhân (Self leadership & Personal branding): Đây là kỹ năng tự tổ chức và kiểm soát các hành vi của bản thân nhằm tạo được sự tự tin, khả năng chịu đựng, lạc quan ở bất kỳ tình huống nào. Suy nghĩ lạc quan giúp cá nhân có thái độ tích cực trong công việc và trong cuộc sống, giúp khắc phục và vượt qua mọi thách thức và khó khăn trở ngại trong công việc.
Kỹ năng tư duy sáng tạo và mạo hiểm (Initiative and enterprise skills): Tính sáng tạo và lối suy nghĩ thông minh được đánh giá cao ở bất cứ vị trí công việc nào, thậm chí ở những công việc mang tính cấp bách và phức tạp cần phải giải quyết nhanh chóng và quyết đoán.
Kỹ năng lập kế hoạch và tổ chức công việc (Planning and organising skills): Đây là kỹ năng hết sức quan trọng và phải thực hiện thường xuyên hoặc định kỳ trong quá trình học tập cũng như sau khi đi làm tại doanh nghiệp. Khi lập được kế hoạch thì tư duy quản lý sẽ có hệ thống hơn để có thể tiên liệu được các tình huống sắp xảy ra. Trong quá trình tổ chức công việc sẽ phối hợp được mọi nguồn lực của cá nhân, tổ chức để tạo nên một sức mạnh tổng hợp hướng vào mục tiêu cuối cùng.
Kỹ năng lắng nghe (Listening skills): Cần phải biết nghe sao cho người ta nói và đồng thời cần phải biết nói sao cho người ta nghe. Đó là tiến trình hai chiều nhằm tạo sự thông cảm và hiểu biết lẫn nhau.
Kỹ năng thuyết trình (Presentation skills): Trình bày vấn đề cần đúng trọng tâm, súc tích, sinh động, kết hợp với các công cụ trực quan như tài liệu, biểu đồ, sản phẩm,… nhằm lôi cuốn người nghe và dễ nhớ hơn.
Kỹ năng giao tiếp và ứng xử (Interpersonal skills): Là kỹ năng xây dựng và phát triển mối quan hệ với người xung quanh, nhằm tạo ra sự đồng cảm, hợp tác, chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau trong công việc và cả trong cuộc sống.
Kỹ năng giải quyết vấn đề (Problem solving skills): Đây là kỹ năng rất quan trọng trong giải quyết công việc thường ngày. Hiệu quả công việc càng cao khi giải quyết vấn đề và ra quyết định hợp lý.
Kỹ năng làm việc nhóm (Teamwork): Có khả năng làm việc với người khác trong cùng một công việc. Sinh viên có thể rèn luyện kỹ năng này thông qua các hoạt động thảo luận nhóm, các báo cáo chuyên đề tốt nghiệp, các chương trình học kỳ doanh nghiệp,… ngay trong thời gian còn ngồi ở trên ghế nhà trường.
Kỹ năng đàm phán (Negotiation skills): Trong kinh doanh, doanh nghiệp nào cũng muốn đạt kết quả, lợi nhuận cao nhất. Ðiều đó phụ thuộc rất nhiều ở tài ngoại giao, đàm phán, thương thảo hợp đồng của nhà kinh doanh trên thương trường. Đàm phán là phương tiện cơ bản để đạt được cái mà ta mong muốn từ người khác trên tinh thần hai bên cùng có lợi (win-win). Đó là quá trình giao tiếp có đi có lại được thiết kế nhằm thỏa thuận trong khi giữa ta và bên kia có những quyền lợi có thể chia sẻ và có những quyền lợi đối kháng.
Sinh viên ngành Du lịch thực tập tour ở Nha Trang
Trong mùa tuyển sinh năm nay, đối với khối ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn, Khoa Du lịch và Việt Nam học Đại học Nguyễn Tất Thành đào tạo các nhóm ngành về du lịch như sau.
- Ngành Quản trị khách sạn– mã ngành 7810201 – thời gian đào tạo 3 năm
- Ngành Quản trị nhà hàng– mã ngành 7810202 – thời gian đào tạo 3 năm
- Ngành du lịch có 3 chuyên ngành: ngành Quản lý du lịch, ngành Hướng dẫn du lịch, ngành Du lịch số– mã ngành 7810101 – thời gian đào tạo 3 năm
- Ngành Việt Nam học có 2 chuyên ngành: ngành Văn hóa Việt Nam, ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành – mã ngành 7310630 – thời gian đào tạo 3 năm
ThS. Nguyễn Hoàng Long