Bến Tre: Đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp

(SGTT) – Sau đại dịch Covid-19, du khách có sự thay đổi về xu hướng trải nghiệm. Du lịch nhóm nhỏ gồm gia đình và bạn bè, du lịch kết hợp nghỉ dưỡng phục hồi sức khỏe và trải nghiệm gắn với thiên nhiên, và đặc biệt là du lịch nông nghiệp gắn với văn hóa bản địa được ưa chuộng. Nắm bắt được nhu cầu của du khách và tận dụng những lợi thế sẵn có, ngành du lịch Bến Tre đang tập trung đẩy mạnh lĩnh vực này.

Tận dụng cảnh sắc thiên nhiên phong phú

Trong thời gian qua, ngành du lịch Bến Tre tập trung đầu tư sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Đã có rất nhiều sản phẩm du lịch nông nghiệp được hình thành, các hoạt động hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong phát triển sản phẩm du lịch và sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) được tổ chức.

Thế mạnh của du lịch Bến Tre là cảnh sắc thiên nhiên mang nét nguyên sơ, trù phú. Ngoài ra, Bến Tre còn có bề dày truyền thống văn hóa với hai di tích cấp quốc gia đặc biệt, 16 di tích cấp quốc gia, gần 60 di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh.

Địa phương còn có các lễ hội và các làng nghề truyền thống như sản xuất kẹo dừa, bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, làng nghề sản xuất cây giống và hoa kiểng… cùng các làng điệu dân ca mang đậm sắc thái vùng sông nước Nam Bộ.

Với tài nguyên du lịch tự nhiên và bề dày truyền thống văn hóa đa dạng, Bến Tre ưu tiên phát triển các loại hình du lịch như du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn, du lịch nông nghiệp, du lịch MICE, du lịch cộng đồng…

                                                                    Du khách trải nghiệm ẩm thực đặc sắc ở Bến Tre. Ảnh: Nam Sơn

Theo đề án phát triển du lịch tỉnh Bến Tre, đến năm 2030, du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Du lịch Bến Tre phấn đấu đón khoảng 5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm 48% trở lên, tổng thu từ khách du lịch đạt 3.800-6.000 tỉ đồng.

Trong thời gian qua, Bến Tre đã chủ động tổ chức nhiều chương trình, sự kiện hoạt động du lịch an toàn, hiệu quả, đồng hành với các đơn vị kinh doanh du lịch trong nhiều hoạt động.
Tỉnh tiếp tục phát huy hiệu quả các chương trình hợp tác, liên kết phát triển du lịch với các tỉnh trong Cụm liên kết phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long, TPHCM và 13 tỉnh, thành thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Lượng khách và doanh thu đều tăng mạnh so cùng kỳ, công suất phòng của các cơ sở lưu trú đạt trên 60%. Nhiều sản phẩm, chương trình du lịch mang đậm nét “xứ Dừa” của Bến Tre đã đáp ứng được nhu cầu, mong muốn của du khách.

Các hộ gia đình ở Bến Tre xây dựng các sản phẩm du lịch thông qua các sản phẩm nông nghiệp như: rau, khoai, bắp, đậu… để phục vụ du khách. Ảnh: Nam Sơn

Tại Hội chợ Du lịch quốc tế TPHCM (ITE HCMC) 2022, bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bến Tre, thông tin, đơn vị đã liên kết để xúc tiến mở rộng thị trường, đón khoảng 100 đơn vị lữ hành, trong đó có gần 50 đơn vị lữ hành quốc tế đến từ châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ về Bến Tre khảo sát sản phẩm du lịch.

Đó đều là những cơ hội quý báu để Bến Tre quảng bá hình ảnh và giới thiệu sản phẩm, dịch vụ du lịch của địa phương với thị trường quốc tế cũng như các thị trường mới trên cả nước.

Đề tài nghiên cứu mô hình nông dân làm du lịch

“Đề tài nghiên cứu mô hình nông dân làm du lịch” do tỉnh Bến Tre giao cho trường Đại học Nguyễn Tất Thành làm chủ nhiệm. Mục tiêu của nhóm nghiên cứu đề tài là hỗ trợ người dân địa phương của ba huyện Mỏ Cày, Châu Thành và Thạnh Phú xây dựng các mô hình du lịch phù hợp.

TS Phan Thị Ngàn, Phó Trưởng khoa Du lịch & Việt Nam học (Đại học Nguyễn Tất Thành), Chủ nhiệm đề tài, chia sẻ đất của người dân nơi đây đa phần là đất làm nông nghiệp. Đề tài đóng góp những ý tưởng và trực tiếp hỗ trợ việc xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp nhằm mục đích cải thiện đời sống của người nông dân tỉnh Bến Tre đặc biệt là ở ba vùng Thạnh Phú, Mỏ Cày, Châu Thành, tạo cho cộng đồng dân cư nơi đây một sinh kế mới hướng tới sự phát triển bền vững giữa kinh tế, văn hoá và môi trường.

Theo TS Phan Thị Ngàn, với huyện Mỏ Cày, đây là địa phương có hộ nông dân hoàn toàn mới trong việc làm du lịch. Nhóm nghiên cứu tập trung hỗ trợ người dân xây dựng mô hình du lịch, cơ sở ăn uống, lưu trú, đăng ký thủ tục kinh doanh du lịch, các vấn đề liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy…

Trong khi đó, các cơ sở hộ dân làm du lịch ở Châu Thành và Thạnh Phú đã xuống cấp, cần phải cải tạo lại. Dù cho các huyện này đều đã là những điểm du lịch của Bến Tre, nhưng người dân nơi đây làm du lịch vẫn tự phát, chủ yếu theo kinh nghiệm và cảm nhận, chưa bài bản, quy củ. Nhóm nghiên cứu đã giúp các hộ nông dân hoàn thiện các quy trình làm du lịch, phục vụ du khách, giúp du khách hài lòng với các sản phẩm đó.

Huyện Thạnh Phú có rừng ngập mặn rất đẹp, có thể khai thác làm du lịch rất tốt và hiệu quả, nhưng đây lại là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Bến Tre lại đang trong giai đoạn xây dựng đề án để có thể khai thác rừng ngập mặn làm du lịch nên quá trình chuyển đổi cần phải có thêm thời gian.

                                                                   Du khách trải nghiệm bắt cá tại khu Du lịch 9 sông, Bến Tre. Ảnh: Nam Sơn

Tại huyện Thạnh Phú, nhóm nghiên cứu đã hướng dẫn bà con nông dân xây dựng sản phẩm du lịch từ sản phẩm nông nghiệp, tập trung cho lĩnh vực cắm trại, tham quan, trải nghiệm, ẩm thực, làm nông.

Thông qua sự hỗ trợ của nhóm nghiên cứu, từ một cánh đồng trống, bà con đã xây dựng một con đường, xung quanh có hai hàng cau nhỏ và hoa mười giờ. Khoảng ba năm nữa, nơi đây sẽ có hai hàng cau rất đẹp chạy dọc, uốn lượn trong cánh đồng.

Du khách có thể đạp xe đạp, hít thở không khí của đồng quê, ngắm nhìn các giai đoạn phát triển của lúa: lúa mạ, lúa thì con gái, lúa trổ bông, lúa chín. Ngoài ra, các hộ gia đình cũng sẽ xây dựng các sản phẩm du lịch thông qua các sản phẩm nông nghiệp như: rau, khoai, bắp, đậu… để phục vụ du khách.

Với thử thách ngày lao động làm người nông dân chân lấm tay bùn, du khách có thể trực tiếp tham gia gieo trồng hoặc thu hoạch lúa, đập lúa, phơi lúa… hay canh tác các loại hoa màu khác như đậu phộng, dưa hấu, khoai lang, khoai mì…

                                                                                                    Ảnh: Khu Du lịch sinh thái Chín sông

Cánh đồng thơ mộng này cũng được gắn với Khu Du lịch sinh thái Chín sông. Nhóm nghiên cứu đã hướng dẫn nhân viên Khu Du lịch sinh thái chín sông các nghiệp vụ lễ tân, bàn, buồng, pha chế, vệ sinh an toàn thực phẩm… thông qua hình thức cầm tay chỉ việc, để họ hoàn thành các sản phẩm du lịch, phục vụ du khách. Tương lai, nhóm sẽ giúp đỡ các hộ gia đình phục hồi các ngôi nhà xưa, các nông trang, nông cụ…, xây dựng làng Nam Bộ trong không khí Tết cổ truyền để đón đồng bào Việt kiều về ăn Tết.

Nhóm nghiên cứu cũng đã hỗ trợ bà con kết nối với các doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành… để quảng bá các sản phẩm du lịch của mình. Trong chuyến famtrip được nhóm nghiên cứu tổ chức mới đây, rất nhiều các doanh nghiệp từ TPHCM đã tham gia và đưa ra những ý kiến đóng góp.

Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc công ty Viettourist, các huyện Mỏ Cày, Châu Thành, Thạnh Phú nói riêng và tỉnh Bến Tre nói chung, đều rất phù hợp với việc phát triển du lịch xanh, gắn với thiên nhiên nhờ vào những điều kiện thuận lợi về thiên nhiên, khí hậu, con người.

“Người dân nơi đây cũng rất có ý thức phát triển du lịch xanh thông qua việc xây dựng các cơ sở lưu trú rất chu đáo, sạch, đẹp. Để phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong lĩnh vực này, các hộ gia đình cần phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các đơn vị có kinh nghiệm làm du lịch cũng như chính quyền địa phương”, ông Hải nói.

Trong khi đó, ông Cao Văn Tùng, Giám đốc Trung tâm du lịch nội địa của công ty Bến Thành Tourist cho rằng, mỗi một hộ gia đình cần dựa vào những đặc điểm riêng của mảnh đất của mình để phát triển du lịch, không sao chép các hộ gia đình khác để tạo điểm nhấn, tạo phong cách riêng.

“Khu du lịch Vườn Dâu, huyện Châu Thành phát triển homestay rất phù hợp nhờ vườn cây rộng rãi, mát mẻ. Du lịch 9 sông, huyện Thạnh Phú cần tận dụng nhiều hơn nữa các vật dụng gần gũi với thiên nhiên và môi trường như: lá dừa nước, các loại hoa, dùng đèn măng sông, đèn dầu… thay vì đèn led, không nên sử dụng dàn nhạc có âm thanh lớn. Dù đó chỉ là những chi tiết nhỏ nhưng rất quan trọng, tránh cho khu du lịch bị mai một, mất đi những lợi thế tự nhiên sẵn có”, ông Tùng chia sẻ.

Theo TS Phan Thị Ngàn, trong thời gian tới, khoa Du lịch & Việt Nam học (Đại học Nguyễn Tất Thành) sẽ tổ chức một cuộc hội thảo khoa học, mời các chuyên gia, các nhà nghiên cứu tham gia để đánh giá đề tài, đồng thời đưa ra những góp ý, chia sẻ kinh nghiệm.

Theo sgtiepthi.vn