Trước những diễn biến ngày càng khốc liệt của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm ngập mặn, giá cả nông sản không ổn định… thì phát triển du lịch nông nghiệp là phù hợp
Du lịch nông nghiệp – hướng đi bền vững
Hiện nay, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã khai thác hiệu quả các giá trị đặc trưng của nền nông nghiệp truyền thống kết hợp với công nghệ, sinh thái, nông nghiệp sạch cùng không gian văn hóa gắn với nông nghiệp trở thành sản phẩm du lịch thu hút khách du lịch. Hơn nữa, thông qua khách du lịch thúc đẩy tiêu thụ, tăng doanh thu cho sản phẩm nông nghiệp. Nhiều mô hình kết hợp du lịch nông nghiệp đã rất thành công, đem lại giá trị gia tăng cao cho sản phẩm nông nghiệp và thúc đẩy phát triển du lịch như ở Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… Theo kinh nghiệm của các quốc gia này, việc người dân tổ chức kinh doanh dịch vụ du lịch ở những vùng nông thôn đã đem lại những đóng góp đáng kể cho quá trình hiện đại hóa nông thôn. Đầu tư cho phát triển du lịch nông nghiệp sẽ là xu hướng và phát triển du lịch gắn với nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ trở thành xu thế phát triển của nhiều nước trên thế giới.
Ở Việt Nam, du lịch nông nghiệp đã xuất hiện ở Lào Cai, Khánh Hòa, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ… Du lịch nông nghiệp là một trong những giải pháp hiệu quả để phát triển kinh tế, xã hội góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống và nâng cao phúc lợi cho cộng đồng cư dân tại khu vực nông thôn. Thông qua hoạt động du lịch, người dân địa phương sẽ trực tiếp tham gia sản xuất và đáp ứng các nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ phục vụ du khách, từ đó làm hạn chế hiện tượng di dân từ nông thôn vào thành thị tìm kiếm việc làm, góp phần ổn định xã hội, đảm bảo cho sự phát triển bền vững.
Phát triển du lịch nông nghiệp tại Bến Tre cũng là xuất khẩu nông sản tại chỗ
Đi tìm mô hình cho Bến Tre
Bến Tre là tỉnh nông nghiệp với hơn 70% dân số sống ở nông thôn, thế mạnh là kinh tế vườn và kinh tế biển, diện tích đất nông nghiệp chiếm 75,99%. Năm 2019, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 32,3%, công nghiệp 18,83%; dịch vụ 45,82%. Điều này cho thấy, nông nghiệp và dịch vụ là khu vực kinh tế vô cùng quan trọng của Bến Tre.
Trưởng Khoa Du lịch và Việt Nam học, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành Phan Thị Ngàn – Chủ nhiệm đề tài Nghiên cứu xây dựng mô hình “Nông dân làm du lịch” tại Bến Tre cho biết, “phát triển du lịch nông nghiệp là một trong những giải pháp đem lại lợi ích kép thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, hình thành cơ sở kinh tế dịch vụ tại khu vực nông thôn, đem lại sinh kế cho người nông dân, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan môi trường sinh thái và hỗ trợ ngược lại cho sự phát triển đa dạng, bền vững của điểm đến du lịch”.
Trong thời gian qua, hoạt động du lịch nông nghiệp đã được khai thác tại nhiều địa phương ở tỉnh Bến Tre, trong đó đã hình thành hệ thống sản phẩm du lịch nông nghiệp tại nhiều vùng quê Sở Công thương Bến Tre đã quyết định công nhận gần 100 sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, nhu cầu và xu hướng khách du lịch nội địa và quốc tế đến các vùng nông thôn ngày càng gia tăng.
Tuy nhiên, du lịch khu vực nông thôn ở Bến Tre chủ yếu mang tính tự phát, chất lượng dịch vụ hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp, sản phẩm trùng lắp. Liên kết ngành giữa du lịch, nông nghiệp và khu vực nông thôn để tạo thành chuỗi giá trị sản phẩm chưa thực sự hiệu quả, chưa phát huy được lợi thế tiềm năng của địa phương. Hơn thế nữa, trong phát triển du lịch nông nghiệp, vấn đề con người của địa phương làm du lịch là yếu tố quyết định cho sự thành bại. “Phần lớn dân cư nông thôn còn bỡ ngỡ trong quá trình, chuyển đổi làm dịch vụ du lịch. Công tác tập huấn đào tạo du lịch cho người nông dân phải được tiến hành trước khi triển khai sản phẩm để người dân làm quen, học hỏi kinh nghiệm và tự nhận thức về những lợi ích sẽ thu được cũng như tầm quan trọng của việc lưu giữ văn hóa bản địa khi kinh doanh dịch vụ này”, bà Ngàn phân tích.
Cũng theo bà Ngàn, với tiềm năng và thực trạng phát triển du lịch Bến Tre, thực sự rất cần có sự tham gia kịp thời của chuyên gia về du lịch nông thôn; tổ chức thực hiện quy hoạch du lịch nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, hướng dẫn chi tiết người dân làm du lịch. Đồng thời, hỗ trợ chính quyền địa phương có công cụ quản lý điểm du lịch hiệu quả. Song song đó, hỗ trợ cho người dân khởi nghiệp du lịch, hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng, áp dụng các công nghệ mới, nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn; đây cũng là mục tiêu và nhiệm vụ của đề tài chúng tôi đang triển khai và thực hiện tại Bến Tre.
Theo baodulich.net.vn