• Trang chủ /
  • Tin tức
  • / Khoa Du lịch và Việt Nam học khảo sát thực địa “Du lịch nông thôn” tại tỉnh Bến Tre

Khoa Du lịch và Việt Nam học khảo sát thực địa “Du lịch nông thôn” tại tỉnh Bến Tre

Ngày 13&14/3/2020, tại tỉnh Bến Tre, Khoa Du lịch và Việt Nam học phối hợp với UBND Huyện Châu Thành và UBND Huyện Mỏ Cày Nam thực hiện chuyến khảo sát thực địa về “Du lịch nông thôn” Mục đích của chuyến khảo sát để nắm được tiềm năng và thực trạng về khai thác loại hình du lịch nông thôn tại địa phương. Qua đó xây dựng được mô hình du lịch cho từng địa phương nhằm phát triển du lịch nông thôn và cộng đồng để góp phần đưa ngành Du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Bến Tre.

 Đoàn khảo sát đi thuyền trên sông Thom khảo sát làng nghề chỉ xơ dừa

Bến Tre là tỉnh rất giàu tiềm năng để phát triển du lịch nông thôn. Du lịch nông thôn mang đến rất nhiều lợi ích cho địa phương như: giải quyết việc làm cho người dân địa phương, góp phần làm giảm tình trạng di cư ra thành thị của giới trẻ nông thôn, phát triển kinh tế địa phương, nâng cao mức sống của công đồng. Mặt khác, với tình hình biến đổi khí hậu “xâm ngập mặn” như hiện nay, điều kiện thời tiết ảnh hưởng và tác động lớn đến sản xuất và sản lượng nông nghiệp thì du lịch nông thôn như là một giải pháp tăng thu nhập cho người nông dân, đồng thời làm giảm những hạn chế do tính mùa vụ nông nghiệp tạo ra. Về mặt văn hóa, du lịch nông thôn giúp quảng bá, phát huy và truyền tải văn hóa truyền thống như phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng, ẩm thực, lễ hội, các loại hình nghệ thuật; mở rộng giao lưu văn hóa giữa các cộng động; đồng thời giúp cộng đồng nâng cao ý thức bảo tồn và giữ gìn văn hóa truyền thống đó.

Với thời gian hai ngày ở tỉnh Bến Tre, đoàn khảo sát có dịp tham quan và tìm hiểu một số điểm du lịch tiểu biểu ở Huyện Châu Thành và Huyện Mỏ Cày Nam như: nhà lưu niệm anh hùng liệt sĩ Trần Văn Ơn; khảo sát tuyến giao thông đường sông Ba Lai; cửa hàng trưng bày sản phẩm Ocop Bến Tre; đi thuyền trên sông Thom khảo sát làng nghề chỉ xơ dừa và mô hình nông dân nhà vườn làm du lịch tại Cồn Thành Long. Trong thời gian khảo sát, các thành viên trong đoàn đều đánh giá cao về tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch nông thôn tại địa phương.

Phát biểu tại buổi đón tiếp đoàn, Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Trưởng phòng Văn hóa-Thông Tin Huyện Châu Thành cho rằng: “Người dân ở đây hiểu biết về du lịch còn hạn chế, phần lớn các hộ dân chỉ biết làm nông nghiệp, để người dân tham gia làm du lịch thì cần phải có sự vận động, chứ không phải ép họ. Phát triển loại hình “Du lịch nông thôn ” thì cần có các homestay để khách trải nghiệm, cùng ăn, cùng ở, cùng làm là hướng phát triển của Huyện Châu Thành. Tuy nhiên, để làm được điều này địa phương cũng cần có sự tư vấn, hỗ trợ của Khoa Du lịch và Việt Nam học để triển khai vào thực tế”.

UBND Huyện Mỏ Cày Nam tiếp đoàn khảo sát Khoa Du lịch và Việt Nam học

Theo ThS. Phan Thị Ngàn, Trưởng khoa Du lịch và Việt Nam học: “Huyện Châu Thành, Huyện Mỏ Cày Nam là hai địa phương của tỉnh có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch nông thôn, tuy nhiên hiện nay du lịch của huyện chưa phát triển đồng bộ. Vì vậy, chuyến khảo sát thực địa lần này của Khoa là tìm hiểu để định hướng cho địa phương, người dân làm du lịch, người dân là người thụ hưởng thành quả cuối cùng. Với vai trò nhà tư vấn, nhà khoa học, Khoa sẽ tiến hành nghiên cứu, xây dựng mô hình du lịch nông thôn; Xây dựng quy trình ứng dụng; Xây dựng hệ thống sản phẩm đặc hữu tại địa phương và đào tạo nguồn nhân lực du lịch cho địa phương. Chúng tôi mong muốn các hộ dân nơi đây phát triển đúng định hướng đã đề ra nhằm phát triển du lịch bền vững”.

Chương trình khảo sát thực địa du lịch nông thôn trên là dịp để Khoa Du lịch-Việt Nam và hai địa phương Huyện Châu Thành, Huyện Mỏ Cày Nam trao đổi thông tin, qua đó từng bước triển khai các hoạt động tư vấn, nghiên cứu khoa học về phát triển du lịch theo Chiến lược phát triển du lịch của địa phương.

 

Nguyễn Hoàng Long

Khoa Du lịch và Việt Nam học