Bến Tre đang kết nối thương mại hoá, đổi mới công nghệ phát triển sản phẩm OCOP. Điều này được kỳ vọng sẽ kích cầu du lịch.
Vừa qua, Đại Học Nguyễn Tất Thành đã tổ chức ‘’Tour du lịch, kết nối’’ thuộc đề án ‘’Xây dựng mô hình nông dân làm du lịch’’. Tiến sĩ Phan Thị Ngàn – Phó trưởng Khoa Du lịch và Việt Nam học, cho biết, chương trình đẩy mạnh công tác quảng bá các sản phẩm OCOP tỉnh Bến Tre đến nguồn khách hàng trong nước và xuất khẩu, cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kết nối giao thương.
Theo đó, đoàn đã đến thăm, làm việc tại huyện Thạnh Phú. Công ty TNHH chế biến thủy sản Phát Huy là điểm đến đầu tiên với sản phẩm tiêu biểu: Cá đù, cá bông lau và cá rô phi một nắng; HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Thạnh Phong (sản phẩm tiêu biểu: Xoài tứ quý Thạnh Phong, cua biển Bến Tre).
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú Mai Văn Hùng, đến nay, huyện có 14 sản phẩm được tỉnh công nhận sản phẩm OCOP; trong đó có 3 sản phẩm đạt 4 sao và 11 sản phẩm đạt 3 sao.
Tại huyện Châu Thành, đoàn khám phá về cơ sở sản xuất các sản phẩm từ bưởi cũng như cơ sở sản xuất chế biến nông sản sấy của Thiên Tân Phát. Ở đây, sản phẩm tiêu biểu đáng chú ý có nấm bào ngư sấy, chuối sấy, xoài sấy.
Tại hợp tác xác nông nghiệp Tân Phú của Bến Tre có những sản phẩm ấn tượng về chuối sấy và sầu riêng. Ở đây, sầu riêng được đánh giá ngon và có giá trị thương hiệu cao, được nhiều du khách tin dùng.
Hiện nay, huyện có điểm du lịch Cồn Bửng đạt khu du lịch cấp tỉnh, đây cũng chính là cơ hội lớn để sản phẩm OCOP phát triển thương hiệu, trở thành quà tặng cho khách du lịch thời gian tới.
Về Bến Tre là nói đến các sản phẩm từ dừa. Theo đó, Doanh nghiệp tư nhân Tuyết Phụng giới thiệu sản phẩm tiêu biểu: kẹo dừa; Công ty TNHH Funny Fruit giới thiệu sản phẩm tiêu biểu: dừa sấy giòn vị tại huyện Mỏ Cày Nam.
Với tốc độ sản xuất hiện tại của các cơ sở còn khá nhỏ lẻ, trồi sụt theo thị trường do lượng đơn hàng còn thấp, chỉ cung cấp trong thị trường nội địa, liên tỉnh lân cận khiến bà con nông dân vẫn đau đáu nghĩ đến việc tìm ‘’đầu ra’’ cho sản phẩm để tính toán việc đầu tư công nghệ, khoa học kỹ thuật trong sản xuất.
Thông qua chương trình, đại diện các hộ OCOP cũng mong mỏi nhận được sự quan tâm của các siêu thị, chợ đầu mối, nhà phân phối trực tiếp hàng nông sản các tỉnh miền Tây nói chung, Bến Tre nói riêng. Từ đó đẩy mạnh việc giao thương thuận lợi, giúp sản phẩm chất lượng đến tận tay người tiêu dùng với mức giá ‘’dễ chịu’’ nhất.
Một số sản phẩm đặc trưng của Bến Tre. Ảnh: Nguyên Thảo.
Theo dulich.laodong.vn